1. Một số vấn đề chung về tuyên truyền miệng
1.1 Khái niệm tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng là một hình thức
đặc biệt của tuyên truyền, được tiến hành thông qua sự giao tiếp trực tiếp giữa
người tuyên truyền với đối tượng tuyên truyền, chủ yếu bằng lời nói trực tiếp.
1.2 Những ưu thế đặc trưng của tuyên truyền miệng
- Là sự giao tiếp trực tiếp để
cung cấp và trao đổi thông tin nên sử dụng được mọi ưu thế của giao tiếp trực
tiếp. Có thể giải thích được những vấn đề mà vì một lý do nào đó không thể đưa
công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền miệng qua hình thức
đối thoại giữa người nói với người nghe, là một hình thức tuyên truyền dân chủ
nhất, thực hiện được chức năng thông tin cả 2 chiều, không mang tính áp đặt.
- Tuyên truyền miệng có thể sử dụng
triệt để nhất ưu thế của ngôn ngữ nói và "kênh" phi ngôn ngữ.
- Tuyên truyền miệng có điều kiện
và nhiều khả năng tiến hành một cách thường xuyên và rộng rãi ở nhiều nơi,
trong các điều kiện khác nhau. Báo cáo viên có khả năng thích nghi với các điều
kiện và hoàn cảnh cụ thể để tiến hành nhiệm vụ tuyên truyền được giao.
1.3 Những hạn chế của tuyên truyền miệng
- Lời nói có tính tuyến tính, chỉ
đi một chiều, không quay trở lại. Vì vậy, người nói cần thận trọng, người nghe
cần chú ý nếu không, không lấy lại được lời đã nói và không nghe được lời báo
cáo viên đã nói.
- Phạm vi về không gian có giới hạn,
do khả năng phát ra của lời nói trực tiếp (dù đã có phương tiện khuyếch đại) và
khả năng tập hợp một số đông tại một địa điểm và thời điểm nhất định.
- Dễ chịu tác động của các yếu tố
ngoại cảnh do tập trung đông người và ở các địa điểm khác nhau.
1.4 Những nguyên tắc cơ bản của tuyên truyền miệng
- Tính Đảng là nguyên tắc cơ bản
hàng đầu của công tác tuyên truyền miệng. Khi tuyên truyền phải đúng với định
hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tính chiến đấu của công tác
tuyên truyền nói chung và là ưu thế của tuyên truyền miệng nói riêng. Tuyên
truyền miệng phải khẳng định và bảo vệ cái đúng, xây dựng những tư tưởng tình cảm
lành mạnh, uốn nắn những quan điểm tư tưởng lệch lạc, đấu tranh chống các luận
điểm phản tuyên truyền, các biểu hiện tiêu cực.
- Tính quần chúng: nội dung tuyên
truyền, các biểu hiện tiêu cực, mối quan hệ giữa nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra
và yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người nghe. Bác Hồ đã dạy "Người
tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi viết cho ai xem, nói cho ai nghe".
- Tính khoa học, chân thực, khách quan: đòi hỏi tuyên truyền miệng phải nói
đúng sự thật, không tránh né, không cực đoan, một chiều, làm cho mọi người hiểu
rõ cơ sở khách quan, khoa học, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để nâng cao sức
thuyết phục, làm cho người nghe tin tưởng vào sự đúng đắn của vấn đề tuyên truyền
đặt ra.
1.5 Phương châm tiến hành công tác tuyên truyền miệng
- Toàn Đoàn phải làm công tác
tuyên truyền miệng. Trước hết, các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn phải tích cực làm
công tác tuyên truyền miệng. Thông qua các chương trình công tác, đi thực tiễn
cơ sở để chủ động tuyên truyền chủ trương, chính sách cho đoàn viên, thanh niên
và nhân dân. Mọi cán bộ, đoàn viên phải chủ động nắm vững đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chủ trương, chương trình công tác
của Đoàn để kịp thời thông tin, giải thích cho đoàn viên, thanh niên và nhân
dân hiểu và thực hiện.
- Chủ động và tích cực phục vụ
nhiệm vụ chính trị. Tuyên truyền phải đi trước một bước và phải dự báo được
tình hình, tránh cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân mắc vào những sai lầm tự
phát. Phân tích và hướng dẫn dư luận xã hội là một trong những chức năng cơ bản
của công tác tuyên truyền miệng.
- Nhạy bén, kịp thời. Bám sát
tình hình thời cuộc, tình hình thực tiễn, những vấn đề mới nảy sinh để kịp thời
tuyên truyền giải thích. Tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức
tạp càng đòi hỏi phải chủ động, nhạy bén để nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền.
- Cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền
miệng phải cụ thể, thiết thực, có số liệu, tư liệu, sự kiện, căn cứ, lập luận
rõ ràng, ngắn ngọn, súc tích, dễ hiểu, làm cho nội dung tuyên truyền trở nên
phong phú, sinh động, hấp dẫn, gợi cảm, có sức thuyết phục cao, đáp ứng yêu cầu
của đối tượng.
- Kết hợp xây và chống. Tuyên
truyền miệng phải kết hợp hài hòa giữa xây và chống, giữa biểu dương cái tốt,
cái mới phê phán cái sai, cái lạc hậu, khắc phục tính chất cực đoan một chiều,
dẫn tới những hậu quả xấu của kết quả tuyên truyền.
- Thường xuyên, liên tục, có hệ
thống. Tuyên truyền miệng phải tiến hành thường xuyên, liện tục, có hệ thống, vừa
có những đợt tập trung cao điểm, vừa thường xuyên, liên tục, không để dứt
quãng.
- Phối hợp nhiều hình thức, biện
pháp và lực lượng. Tuyên truyền miệng phải kết hợp nhiều hình thức, phương
pháp, sử dụng và phối hợp nhiều lực lượng, nhất là với các phương tiện thông
tin đại chúng, hoạt động văn hóa văn nghệ và sinh hoạt, hội hợp...
2. Phương pháp và kinh nghiệm chuẩn bị đề cương một bài tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng không chỉ là một
khoa học mà còn là một nghệ thuật - nghệ thuật nói chuyện trước công chúng. Để
có thể trở thành người nói giỏi, nói hay, người cán bộ Đoàn, người báo cáo
viên, tuyên truyền viên không chỉ nắm vững cơ sở khoa học của hoạt động tuyên
truyền miệng mà còn phải biết sử dụng những kỹ năng, kỹ xảo, nghiệp vụ chuẩn bị
bài nói trước người nghe. Để chuẩn bị cho một bài nói, thường phải trả lời cho
các câu hỏi: Nói để làm gì? Nói về vấn đề gì? Nói ở đâu, vào thời gian nào? Nói
cho ai nghe? Lấy tài liệu nào, ở đâu để nói? Bố cục bài nói như thế nào?...
2.1 Xác định mục đích của bài nói
- Mục đích chung của công tác
tuyên truyền là nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin và cổ vũ hành động người
nghe. Mục đích của bài nói bao giờ cũng cần đạt được 3 yêu cầu là:
- Nâng cao nhận thức,
- Xây dựng, củng cố niềm tin,
- Cổ vũ đi tới hành động.
Tuỳ theo mỗi nội dung và yêu cầu
của đối tượng để xử lý mối quan hệ của 3 yêu cầu đó.
2.2 Xác định chủ đề bài nói
Chủ đề bài nói cần đáp ứng yêu cầu
cơ bản: thoả mãn nhu cầu người nghe (tính thời sự, tính thiết thực, có thông
tin mới), trong thời gian cho phép. Để xác định chủ đề bài nói, cần căn cứ vào
3 yếu tố sau:
- Yêu cầu tư tưởng của cấp uỷ
theo chương trình kế hoạch.
- Yêu cầu của đối tượng tuyên
truyền thông qua cơ quan, tổ chức "đặt hàng".
- Dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết
của báo cáo viên về đặc điểm đối tượng.
2.3 Tìm hiểu đặc điểm người nghe (đối tượng)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã nói: "Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái
gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế
nào?". Như vậy, muốn cho bài nói thành công, người cán bộ Đoàn, báo cáo
viên, tuyên truyền viên phải đặt câu hỏi: nói cho ai nghe? "Ai" ở đây
chính là đối tượng mà cán bộ tuyên truyền tác động đến. Phải nắm vững đối tượng
mà cán bộ tuyên truyền tác động đến.
- Phải nghiên cứu đặc điểm về mặt
xã hội: giai cấp, dân tộc, nghề nghiệp, học vấn, giới tính, tuổi tác... của người
nghe.
- Nghiên cứu các đặc điểm về tư
tưởng và tâm lý - xã hội: quan điểm, chính kiến, động cơ, khuôn mẫu tư duy, tâm
trạng, trạng thái thể chất... của họ.
- Nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu
thông tin: thái độ của người nghe đối với nguồn thông tin và nội dung thông
tin; con đường, cách thỏa mãn thông tin của đối tượng.
Trên cơ sở đó mà lựa chọn nội
dung, cách thức tuyên truyền cho phù hợp. Có như vậy mới đem lại hiệu quả cao
cho bài nói chuyện.
- Tìm hiểu đối tượng có thể dựa
trên 3 cách:
+ Tìm hiểu qua tổ chức, cá nhân
người đến "đặt hàng", yêu cầu nói.
+ Tìm hiểu qua những báo cáo viên
đã trình bày một lần với đối tượng đó.
+ Quan quan sát tại chỗ khi tiếp
xúc với đối tượng, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
2.4 Không gian, thời gian diễn ra buổi nói chuyện
a) Không gian diễn ra buổi nói
chuyện
Đây là một vấn đề người tuyên
truyền phải quan tâm bởi nó có ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Có thể có
những trường hợp sau đây:
- Nói trong phòng họp với vài ba chục
người nghe.
- Nói trong hội trường rộng.
- Nói ở ngoài trời.
Ngoài ra, cách bài trí trong
phòng họp, trong hội trường, các yếu tố ngoại cảnh khác cũng tác động đến tâm
lý người nghe.
Báo cáo viên cần hỏi trước người
"đặt hàng" để có thể chủ động nắm được những thông tin cơ bản về
không gian buổi nói chuyện. Ví dụ, hỏi người mới nói về: nói ở đâu, khoảng bao
nhiêu người nghe, có micrô không, có bảng không... Ngoài ra, khi bước vào hội
trường, khi Ban Tổ chức còn chuẩn bị và giới thịêu, báo cáo viên cần tranh thủ
quan sát để có sự điều chỉnh kịp thời.
b) Thời gian diễn ra buổi nói
chuyện
Buổi nói chuyện diễn ra vào sáng,
chiều hay tối cũng tạo nên những thuận lợi hoặc khó khăn cho việc nhận thông
tin của người nghe. Thông thường vào buổi sáng người nghe tỉnh táo, tiếp thu
thông tin tốt hơn; đầu giờ chiều người nghe thường mệt mỏi, buổi tối hay bị
phân tán... Trong mỗi hoàn cảnh đòi hỏi người tuyên truyền phải quan tâm đến việc
sắp xếp nội dung bài nói và phương pháp diễn đạt sinh động để phát huy hoặc khắc
phục trạng thái tinh thần, tâm lý trên của đối tượng.
Ngoài ra, thời gian nói chuyện dễ
bị điều chỉnh, thay đổi theo yêu cầu của người tổ chức. Ví dụ, khi đến nói hoặc
đang nói người tổ chức mới đề nghị cho nghỉ sớm, không nghỉ giải lai, gắn thêm
các công việc của cơ quan... Người báo cáo viên cũng cần nắm được các thông tin
này sớm để chủ động điều chỉnh.
2.5 Thu thập, nghiên cứu và xử lý tài liệu
Trong điều kiện bùng nổ thông tin
toàn càn hiện nay, bất cứ một lĩnh vực nào cũng có rất nhiều tài liệu. Vấn đề đặt
ra với người tuyên truyền là thu thập, nghiên cứu, xử lý tài liệu thế nào cho hợp
lý. Yêu cầu đặt ra là: tài liệu phải phục vụ chủ đề bài nói một cách sát hợp nhất.
Quá trình nghiên cứu tài liệu là quá trình biến tri thức trong tài liệu thành
nhận thức của người tuyên truyền để truyền đạt lại cho người nghe.
a) Chọn tài liệu
Nguồn tài liệu của báo cáo viên,
tuyên truyền viên rất phong phú. Trước hết là các sách kinh điển của Mác,
Lênin, Hồ Chí Minh, các văn kiện của Đảng, Nhà nước, của Đoàn. Người làm công
tác tuyên truyền miệng phải có kiến thức, lý luận vững chắc và hệ thống về chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, để
trên cơ sở đó đáng giá, phân tích các sự kiện, hiện tượng được đề cập trong bài
nói.
- Các loại từ điển, số liệu thống
kê chính thức để tra cứu các khái niệm, khai thác số liệu cho bài nói.
- Các tạp chí nghiên cứu, báo
chí, sách chuyên khảo phù hợp với nội dung tuyên truyền là nguồn tài liệu rất
quan trọng. Qua các tài liệu này có thể thu thập khối lượng lớn kiến thức có hệ
thống cho nội dung bài nói.
- Sổ tay tuyên truyền, sổ tay báo
cáo viên là những tài liệu cung cấp nội dung và nghiệp vụ tuyên truyền rất thiết
thực, bổ ích.
- Các bản tin nội bộ, tài liệu
tham khảo (dùng cho báo cáo viên). Đặc biệt thông tin được cung cấp qua hội nghị
báo cáo viên định kỳ là nguồn thông tin chính thống quan trọng. Báo cáo viên dựa
vào đó để xây dựng bài nói.
- Ngoài ra, có thể sử dụng các
băng ghi âm, ghi hình do các cơ quan có trách nhiệm cung cấp, các thông tin thu
được nhờ nghiên cứu, tham quan thực tế các điển hình tiên tiến và các di tích lịch
sử - văn hóa.
Tóm lại, báo cáo viên có thể dùng
nhiều loại tài liệu, nhưng cần được theo các văn bản, tài liệu chính thống. Người
tuyên truyền còn phải biết khai thác một nguồn tài liệu sẵn có, đó là vốn sống
thực tế của bản thân. Song, khi sử dụng những nguồn tài liệu nói trên phải theo
đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Người cán bộ tuyên truyền phải chịu trách
nhiệm về việc phát ngôn của mình.
Cán bộ tuyên truyền giỏi là người
có vốn tri thức phong phú, vừa rộng, vừa sâu. Muốn vậy phải có ý thức tự tích
luỹ thường xuyên, liên tục, bằng nhiều cách khác nhau.
b) Đọc và nghiên cứu tài liệu
- Đọc tài liệu: đầu tiên đọc lướt
qua mục lục, lời chú, trên cơ sở đó hình thành nội dung, kết cấu bài nói. Sau
đó đọc kỹ, có phần tích, đánh giá, suy nghĩ. Có thể đọc cả tài liệu phản diện để
hiểu, phê phán, nâng cao tính chiến đấu cho bài nói.
- Ghi chép: ghi tóm tắt những điều
đã đọc được. Có thể ghi chú thêm lời bình luận ra lề, hoặc bổ sung những ý kiến
của mình khi ngôn ngữ của tài liệu quá cô đọng hoặc quá trừu tượng. Khi cần giữ
lại ý kiến của tác giả một cách hoàn chỉnh có thể trích nguyên văn (ghi rõ tên
tác giả, tác phẩm, nơi xuất bản, lần xuất bản, số trang).
Đối với người báo cáo viên, nên
có cái túi hồ sơ phân loại theo vấn đề (kinh tế, chính trị, đối ngoại...) theo
dõi đối tượng nghiên cứu (như về Trung Quốc, Nga, Mỹ...). Mỗi khi có thông tin
gì về các nội dung đó, cần cắt, dán để vào trong túi, để khi có yêu cầu thì lấy
ra đọc lại và xử lý.
c) Một số lưu ý khi sử dụng tài
liệu
Quá trình thu thập, nghiên cứu, xử
lý tài liệu đối với người tuyên truyền là quá trình nạp thông tin. Chọn và sắp
xếp tài liệu theo trình tự lô gic và thời gian để hình thành đề cương. Chú ý chỉ
sử dụng những tài liệu rõ ràng, chính xác.
Đọc, ghi chép và xử lý thông tin,
đa thông tin vào "bộ nhớ" trong não của người tuyên truyền là điều hết
sức quan trọng, bởi vì chỉ có liên tục tích luỹ mới có kiến thức rộng và sâu.
Còn sử dụng những thông tin, tư liệu đã có lại là tài năng và nghệ thuật. Nghệ
thuật ấy có được là nhờ vào bản lĩnh, khả năng, vào quá trình tích lũy, rèn luyện
của báo cáo viên. Nó góp phần quan trọng vào thành công của bài nói.
2.6 Xây dựng đề cương bài nói
Đề cương bài nói chính là dàn bài
chi tiết thể hiện mục đích, yêu cầu và những nội dung cơ bản của bài nói, là
quá trình sắp xếp trên văn bản để người báo cáo viên căn cứ vào đó trình bày những
vấn đề định nói một cách đầy đủ, theo một trình tự hợp lý, nhằm đạt hiệu quả
cao nhất đồng thời là chương trình hoạt động của bào cáo viên trong một buổi
thuyết trình. Đề cương không được quá sơ sài, không làm rõ những nội dung và lý
lẽ cần trình bày. Nhưng cũng không biến đề cương thành một bài viết sẵn để đọc.
Mỗi đối tượng cụ thể nên có một đề
cương bài nói phù hợp.
Cấu trúc đề cương bài nói:
Bài nói thường có 3 phần, mỗi phần
có chức năng riêng.
a) Phần mở đầu
Yêu cầu chung của phần mở đầu gồm
3 mục tiêu cụ thể là:
- Giới thiệu và làm quen.
- Thông báo nội dung trình bày.
- Thông báo thời gian và phương
thức tiến hành.
Đây là phần nhập đề, là bước tiếp
xúc đầu tiên với người nghe, do đó báo cáo viên phải mở đầu sao cho hấp dẫn,
kích thích hứng thú của người nghe và làm rõ chủ đề của bài nói. Lời mở đầu cần
tự nhiên, ngắn gọn.
Để thực hiện yêu cầu trên, có hai
cách vào đề là vào đề trực tiếp và vào đề gián tiếp.
Mở đầu trực tiếp là: giới thiệu
trực tiếp chủ đề nội dung bài nói. Hình thức này thường được thực hiện với đối
tượng quen, thời gian ngắn. Mở đầu gián tiếp là đưa ra một luận đề nào đó (gần
với chủ đề bài nói) rồi dẫn dắt người nghe đến vấn đề báo cáo viên định nói.
Cách vào đề gián tiếp có tác dụng kích thích và làm tăng dần sự chú ý của người
nghe, nhưng khi thực hiện cần tránh sa đà, lạc nội dung.
Trong bài chuẩn bị, sau khi xác định
rõ cách vào đề, cần chuẩn bị nội dung của cách vào đề đó, chú ý phải ngắn, gọn.
b) Phần chính (nội dung bài nói)
Đây là phần quan trọng nhất của
bài nói, giải quyết vấn đề mà báo cáo viên đặt ra theo một trình tự nhất định.
Về nguyên tắc bài nói có thể đề cập
đến mọi vấn đề của đời sống xã hội. Từ những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa
đến vấn đề khoa học, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...; từ những vấn
đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đoàn đến
các sự kiện đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội... Nhưng để tạo khả năng
thu hút sự chú ý của người nghe, đạt mục đích tuyên truyền đặt ra, khi lựa chọn
nội dung bài nói cần chọn những vấn đề mang các tác dụng sau:
Một là, phải cung cấp cho người
nghe những thông tin mới, như một bình thông nhau chứa tin. Mỗi nhánh của bình
chứa tin là một vai giao tiếp. Quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin là mở
van giữa hai bình để tin từ bình nay (người nói) chảy sang bình kia (người
nghe). Nếu tin của hai bình ngang nhau tức là hết điều để nói, quá trình trao đổi
thông tin trên thực tế không diễn ra nữa. để quá trình này diễn ra liên tục, giữa
người nói và người nghe phải có độ chênh lệch về thông tin, về sự hiểu biết
xung quan nội dung đang đề cập. Độ chênh lệch về thông tin, về sự hiểu biết đó
chính là cái mới của nội dung bài nói.
Cái mới của nội dung tạo khả năng
thu hút sự chú ý của người nghe, gây được lòng tin cho công chúng, thuyết phục
những người có quan điểm khác hoặc trái với quan điểm cần thuyết phục.
Trong tuyên truyền miệng, cái mới
không chỉ được hiểu là cái chưa hề được đối tượng biết đến mà còn là một phương
pháp tiếp cận mới, cách trình bày mới, độc đáo, một nhận định, đánh giá mới về
cái đã biết. Cái mới cũng có thể là một kinh nghiệm được tích luỹ, một sự kiện,
một hiện tượng phát sinh xung quanh những vấn đề đã được thông tin trước đây
cho người nghe.
Để tạo ra cái mới cho nội dung
bài nói, người báo cáo viên cần thường xuyên tích luỹ tư liệu, tài liệu để làm
giàu, phong phú sự hiểu biết; tìm tòi, sáng tạo cách trình bày, tiếp cận mới đối
với vấn đề; rèn luyện năng lực bình luận, đánh giá thông tin; tích cực nghiên cứu
thực tế, lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng để phát hiện, nắm bắt
cái mới; tổng kết những kinh nghiệm hay từ thực tiễn đời sống của nhân dân.
Hai là, phải đáp ứng một cách cao
nhất yêu cầu thông tin của một loại công chúng cụ thể.
Nội dung bài nói do mục đích của
công tác giáo dục chính trị tư tưởng và nhu cầu thỏa mãn thông tin của đối tượng
quy định. Nhu cầu của thông tin xuất hiện do nhu cầu của hoạt động nhận thức
(nghe để biết hoặc nghe để biết và để làm). Hoạt động thực tiễn của công chúng
rất đa dạng, nhu cầu thông tin cũng đa dạng. Không thể chọn một nội dung nói
cho nhiều đối tượng khác nhau. Nội dung bao giờ cũng hướng tới một đối tượng, một
nhóm người nghe cụ thể.
Trong trường hợp công chúng chưa
xuất hiện nhu cầu thông tin về vấn đề quan trọng nào đó, mà vấn đề đó lại được
đặt ra do yâu cầu giáo dục chính trị tư tưởng thì cần chủ động hướng dẫn, khơi
gợi, kích thích sự quan tâm ở họ. Chỉ khi nào ở người nghe xuất hiện nhu cầu
thông tin, đòi hỏi được đáp ứng thì khi đó ở họ mới có tâm thế, thái độ sẵn
sàng tiếp nhận thông tin, có những hành động nhằm thỏa mãn nhu cầu đó (tìm tài
liệu để đọc, đến hội trường để nghe nói chuyện và chú ý lắng nghe...).
Việc phân loại đối tượng người
nghe, nắm vững nhu cầu thông tin, biết kích thích và thường xuyên đáp ứng yêu cầu
thông tin của đối tượng, vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện đảm bảo sự thành công
của bài nói.
Ba là, bài nói phải mang tính thời
sự, tính cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.
Giá trị và sức lôi cuốn người
nghe, ý nghĩa chỉ đạo tư tưởng và hành động của nội dung bài nói do thời điểm
đưa tin, thời điểm tổ chức buổi nói chuyện quyết định. Nếu buổi nói chuyện được
tổ chức đúng thời điểm, thì sức thu hút người nghe càng lớn. Ngược lại nếu triển
khai chậm, thông tin thiếu tính thời sự thì sức hấp dẫn bị hạn chế, hiệu quả
công tác tuyên truyền kém tác dụng.
Để đáp ứng yêu cầu này, một mặt
người tuyên truyền phải nắm vững chương trình, kế hoạch của cơ sở Đoàn mình hoặc
của Đoàn cấp trên đề ra; mặt khác, bằng bản lĩnh chính trị, sự nhạy cảm và tính
năng động, sáng tạo, cán bộ tuyên truyền có thể chọn trong số những vấn đề lý
luận và thực tiễn cấp bách nhất, những sự kiện lớn, đang thu hút sự quan tâm của
đông đảo quần chúng, tham mưu cho cấp uỷ làm chủ đề cho các buổi nói chuyện. Những
vấn đề và sự kiện như vậy thường có sức mạnh thông tin, cổ vũ cao, tác động sâu
sắc đến ý thức và hành vi của con người.
Bốn là, bài nói phải đảm bảo tính
tư tưởng và tính chiến đấu.
Khác với bài diễn thuyết của các
nhà hùng biện, bài nói của báo cáo viên có mục đích tư tưởng rất rõ rệt. Mục
đích ấy do chức năng, nhiệm vụ và hoạt động đặc thù của công tác tuyên truyền
miệng quy định. Bằng lời nói, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nội dung tuyên truyền
miệng dù theo chủ đề nào, cũng đặt ra không chỉ mục đích thông tin mà quan trọng
hơn là mục đích tác động về mặt tư tưởng (hình thành niềm tin, cổ vũ con người).
Cho nên, nội dung bài nói không chỉ đạt yêu cầu cung cấp thông tin đa dạng, nhiều
chiều, hấp dẫn mà quan trọng hơn là đạt tới yêu cầu định hướng thông tin, định
hướng tư tưởng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, về các sự kiện chính trị trọng đại trong nước và trên thế giới, về chủ
trương, chương trình công tác của Đoàn, từ đó chủ động giải thích cho công
chúng nhận thức đúng hơn, sâu hơn, thuyết phục công chúng có niềm tin và hành động
tích cực.
Tính tư tưởng, tính chiến đấu đòi
hỏi cán bộ tuyên truyền, khi thông tin về những quan điểm khác nhau phải có định
hướng, phân tích theo lập trường, quan điểm của Đảng, của Đoàn. Sẵn sàng dùng lập
luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng sát thực, sinh động có tính thuyết phục
cao, để khẳng định và bảo vệ quan điểm, chủ trương và đường lối đúng đán của Đảng.
Nhà nước ta. Khi nêu các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu... phải tỏ rõ thái độ
phên phán kiên quyết, đúng mức, tránh gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm lòng
tin của công chúng bởi cái gọi là "thông tin nhiều chiều" thiếu cơ sở
khoa học, có khi thông tin còn bị móp méo, làm sai lệch bản chất của sự việc.
Phương pháp sử dụng trong bài nói
chủ yếu dùng phương pháp "quy nạp" và "diễn dịch", chú ý phối
hợp hài hoà hai phương pháp này.
Cần phân tích bản chất sự kiện, vấn
đề, lập luận và đưa ra cách lý giải các nội dung, dẫn chứng minh hoạ (tư liệu,
tài liệu, số liệu, thực tế...) làm rõ bản chất vấn đề, quan điểm..., qua đó để
định hướng tư tưởng.
Năm là, đề cương bài nói cần bố cục
rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, lô gíc, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quá
trình nhận thức, thể hiện cả phương pháp trình bày với từng vấn đề, quan điểm
được nêu ra.
Sáu là, đề cương bài nói phải thể
hiện được cả hai yêu cầu: nêu luận điểm và các thông tin, tư liệu làm ví dụ chứng
minh luận điểm đó. Trong mỗi phần cần nêu lên các luận điểm (nhận định) chủ yếu.
Sau mội luận điểm, nhận định phải đưa ra được một số ví dụ, số liệu chứng minh
cho luận điểm đó. Tuỳ theo khả năng, trí nhớ của báo cáo viên, cần thể hiện rõ
từng luận điểm và các ví dụ chứng minh trong đề cương (trong đề cương cũng cần
dự kiến tình huống có các câu hỏi người nghe đặt ra. Người báo cáo viên phải chủ
động trả lời, đối thoại, tạo nên không khí dân chủ trong tuyên truyền miệng).
c) Phần kết luận
Đây là phần tổng kết bài nói,
cũng cố nhận thức người nghe và cổ vũ hành động. Yêu cầu chung của phần kết luận
là: tóm tắt, nhấn mạnh nội dung, cổ vũ hành động, tạo mối giao lưu, tình cảm giữa
người nói và người nghe. Phần này cũng cần ngắn gọn, tránh dài dòng.
Đề cương bài nói nên viết trên giất
một mặt. Chữ viết rõ ràng để có thể đọc những đoạn khi cần thiết. Viết xong cần
đọc, kiểm tra kỹ.
Quá trình chuẩn bị bài nói là quá
trình xác định chủ đề, mục đích, yêu cầu bài nói, thu thập, tích luỹ tài liệu,
hình thành đề cương, lựa chọn phương pháp, đồng thời là quá trình ghi nhớ để sẵn
sàng cho bước tiếp theo: trình bày bài nói. Do đó, chuẩn bị tốt là đảm bảo 50%
thành công của bài nói. Phần còn lại phụ thuộc vào phương pháp trình bày.
3. Phương pháp và nghiệp vụ trình
bày bài tuyên truyền miệng
Phương pháp tuyên truyền miệng là
khoa học về sự giao tiếp trực tiếp giữa người nói và người nghe. Do vậy, kỹ
năng trình bày bài nói có ý nghĩa quyết định đến kết quả nội dung tuyên truyền
miệng của người báo cáo viên, người cán bộ Đoàn.
3.1 Một số cơ sở khoa học của công tác tuyên truyền miệng
a) Cơ sở tâm lý của hoạt động
tuyên truyền miệng
- Tuyên truyền miệng là một hình
thức tuyên truyền thông qua giao tiếp trực tiếp giữa người tuyên truyền với đối
tượng tuyên truyền. Vì vậy, sự vận dụng khoa học về tâm lý đóng vai trò hết sức
quan trọng. Người báo cáo viên chẳng những phải chuẩn bị tốt tâm lý của mình để
tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đối tượng tuyên truyền mà còn phải
chuẩn bị tốt tâm thế cho người nghe, để họ sẵn sàng đón nhận, tiếp thu và hành
động sau khi được tuyên truyền.
Trong hoạt động tuyên truyền, báo
cáo viên là chủ thể của hoạt động tuyên truyền, người nghe là chủ thể của hoạt
động lĩnh hội thông tin. Vì vậy, xét về khía cạnh tâm lý, hoạt động tuyên truyền
là sự tác động của chủ thể tâm lý này đối với chủ thể tâm lý khác.
- Lênin đòi hỏi người tuyên truyền
phải nghiên cứu đặc điểm tâm lý của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tuyên
truyền. Người khuyên: "Cần phải thâm nhập vào quần chúng và học hỏi ở họ một
cách kiên trì, bền bỉ thì mới hiểu được các thuộc tính, đặc trưng tâm lý đa dạng
ở mỗi tầng lớp, mỗi nghề của họ" Lênin toàn tập, NXB Tiến bộ Mátxcơva, tiếng
Việt, tập 41, tr 192.
* Tâm lý học tuyên truyền.
Tâm lý học tuyên truyền là một
môn khoa học, nghiên cứu các hiện tượng, quy luật, các cơ chế tâm lý ảnh hưởng
đến hiệu quả tiếp nhận thông tin của đối tượng tuyên truyền.
Như vậy, khoa tâm lý học trong hoạt
động tuyên truyền đòi hỏi báo cáo viên vừa phải nắm chắc nội dung, vừa phải có
khả năng dự đoán được những phản ứng của đối tượng, với mục đích để nội dung
tuyên truyền được tiếp thu một cách nhanh nhất; thúc đẩy hành động của đối tượng
một cách nhanh nhất; thúc đẩy hành động của đối tượng một cách tích cực nhất. Để
đạt được yêu cầu đó, ngoài việc nắm bắt nhu cầu thông tin của đối tượng, báo
cáo viên còn phải biết tác động đến đối tượng trong không gian, thời gian thích
hợp, biết phân tích sự xuất hiện các yếu tố các quy luật tâm lý, khai thác và vận
dụng để tạo sự hứng thú và quan tâm chú ý của đối tượng tiếp cận với chủ đề
tuyên truyền.
* Tâm thế và tính tích cực trong
hoạt động tuyên truyền.
Tâm thế trong tuyên truyền là một
trạng thái tâm lý hoàn chỉnh. Chuẩn bị về tâm thế của báo cáo viên là sự chuẩn
bị về thế lực và trí lực để tham gia vào hoạt động tuyên truyền, đồng thời tạo
tâm thế chủ động, tích cực cho người nghe nhằm đem lại hiệu quả cao cho hoạt động
đó.
- Yếu tố đầu tiên tạo ra tâm thế
là nhu cầu thông tin của người nghe. Tuỳ từng thời điểm khác nhau, đối tượng
khác nhau mà nhu cầu thông tin có cấp độ và ý nghĩa khác nhau. Vì vậy, báo cáo
viên phải tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thông tin của người nghe để có phương thức
và nội dung tuyên truyền phù hợp, làm cho nhu cầu thông tin phù hợp với định hướng
thông tin của người tuyên truyền.
- Trình độ nhận thức của người
nghe, sự hiểu biết khác nhau sẽ tạo ra tâm thế khác nhau khi tiếp thu cũng như
khi thực hiện mục đích tuyên truyền.
- Môi trường khách quan (môi trường
vật lý, một trường tâm lý) cũng là một yếu tố tạo ra tâm thế của đối tượng
tuyên truyền.
- Tâm thế của người được tuyên
truyền thường có các dạng tâm tếh chủ động và tâm thế bị động (muốn nghe và phải
nghe); tâm thế phủ định và tâm thế khẳng định (không nhất trí và nhất trí). Các
loại tâm tếh trên ảnh hưởng lớn đến kết quả tiếp nhận nội dung tuyên truyền.
Người tuyên truyền khi nắm được các trạng thái tâm lý đó sẽ có biện pháp để tác
động có hiệu quả vào người được tuyên truyền.
* Các quá trình tâm lý ảnh hưởng
đến hiệu quả tuyên truyền.
- Trong tuyên truyền miệng, các
quá trình tâm lý như: cả giác, tri giác, hình thành biểu tượng, tư duy... có thể
tác động hướng người nghe tới việc tiếp thu nội dung tuyên truyền một cách tích
cực hoặc tiêu cực (hào hứng hoặc bàng quan). Các hiện tượng của trạng thái tinh
thần, tình cảm của người nghe như: sảng khoái hay buồn rầu, hăng hái hay thờ ơ,
mệt mỏi cũng tác động đến sự tiếp thu thông tin của họ.
- Các yếu tố khác, như dư luận xã
hội, truyền thống địa phương, dân tộc... mối quan hệ vốn có giữa người tuyên
truyền và đối tượng tuyên truyền... đều ảnh hưởng đến quá trình tâm lý của người
nghe.
* Các nhiệm vụ tâm lý đặt ra đối
với người tuyên truyền.
Để nội dung tuyên truyền có tác dụng
sâu sắc đến đối tượng tuyên truyền, báo cáo viên cần giải quyết tốt những yêu cầu
tâm lý sau:
- Thiết lập sự giao lưu, tạo ra mối
quan hệ đồng cảm giữa báo cáo viên với người nghe: đó là sự tin cậy lẫn nhau,
cùng quan tâm đến vấn đề sẽ đề cập.
- Tổng hợp các đặc điểm của từng
đối tượng thông qua trao đổi với cấp uỷ và đơn vị, cơ quan nơi báo cáo viên
thuyết trình để nắm bắt các mặt chủ yếu như: thành phần, trình độ học vấn, nghề
nghiệp, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo..., từ đó nắm được những đặc điểm tâm lý của
họ.
Các Mác, Lênin nhắc nhở người
tuyên truyền: khi phát biểu trước công chúng, phải luôn luôn hướng tới họ, cố gắng
tìm hiểu xem họ đang lo lắng, băn khoăn điều gì?
Bác Hồ dạy: "Tuyên truyền là
đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được
mục đích đó, là tuyên truyền thất bại". (Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng,
NXB Sự Thật, Hà Nội 1965, tr 167).
- Xác định đúng hình thức và
phương pháp kích thích nhu cầu nhận thức của người nghe. Để làm được điều này,
báo cáo viên phải nắm được nhu cầu người nghe và đem đến cho họ những nội dung
thông tin mới, cách tiếp cận và phân tích những vấn đề mới.
- Nắm chắc nội dung, đối tượng
cùng với tình cảm, sự hưng phấn, sự nhiệt tình của báo cáo viên có ảnh hưởng trực
tiếp tới tình cảm và tư duy của đối tượng tuyên truyền. Khi thuyết trình, cần vận
dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp mang tính sáng tạo, phù hợp với thực
tiễn đời sống xã hội. Báo cáo viên phải có những phẩm chất như: tính lý luận
cao, tính nguyên tắc, tính thuyết phục, có kiến thức và vốn sống phong phú, gần
gũi và tôn trọng người nghe... Khi tuyên truyền cần chủ động vận dụng các
phương pháp như: sử dụng các phương tiện trực quan, nêu câu hỏi, dẫn các dữ liệu,
mẫu chuyện sinh động, dùng những câu ngạn ngữ, thành ngữ. Cần sử dụng ngôn ngữ
trong sáng, tế nhị, đa dạng về nhịp điệu, ngữ điệu... tránh đều đều, đơn điệu,
cứng nhắc.
b) Giao tiếp và đối thoại trong
tuyên truyền miệng
Con người là tổng hoà của các mối
quan hệ xã hội. Con người không thể sống, hoạt động và thỏa mãn các nhu cầu vật
chất, tinh thần nếu không giao tiếp. Đối với tuyên truyền miệng, giao tiếp là một
thành phần cơ bản, là đòi hỏi không thể thiếu được trong thuyết trình, đối thoại
của báo cáo viên.
- Giao tiếp có ba loại: giao tiếp
thông qua hành động với tập thể, tức thông qua hoạt động có đối tượng; giao tiếp
bằng ngôn ngữ, bao gồm tiếng nói và chữ viết; giao tiếp bằng cử chỉ, nét mặt,
ánh mắt điệu bộ (phi ngôn ngữ).
- Trong hoạt động tuyên truyền miệng,
ngôn ngữ nói là công cụ chủ yếu của người tuyên truyền, được sử dụng dưới hai
hình thức: độc thoại và đối thoại.
+ Ngôn ngữ độc thoại là ngôn ngữ
một người nói cho một hoặc nhiều người khác nghe. Báo cáo viên phải có ngôn ngữ
trong sáng, chính xác, dễ hiểu và có khả năng tuyền cảm. Ngôn ngữ độc thoại được
sử dụng chủ yếu trong thuyết trình.
+ Ngôn ngữ đối thoại là ngôn ngữ
dùng để trao đổi thông tin giữa báo cáo viên với một hoặc nhiều người. Ngôn ngữ
đối thoại có tính chất tình huống, liên quan chặt chẽ đến hoàn cảnh đối thoại,
thường không chặt chẽ, câu thường rút gọn, có sự hỗ trợ của giao tiếp phi ngôn
ngữ.
- Trong tuyên truyền miệng, rèn
luyện kỹ năng sử dụng từ có vai trò quan trọng. Nguyên tắc cơ bản dùng từ đúng
âm thanh, đúng ý nghĩa, nếu không sẽ làm người nghe hiểu sai nội dung. Nói là để
người khác hiểu đúng ý định của mình. Cho nên, nói vội vàng, dùng từ sai hoặc
dùng từ "có sẵn" sáo mòn... sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể làm
cho người nghe khó chịu, hoặc không hiểu.
- Đối thoại trong tuyên truyền miệng
là quá trình trao đổi thông tin giữa báo cáo viên với người nghe, nhằm thực hiện
dân chủ trong tuyên truyền, tăng cường thông tin hai chiều, hạn chế việc thông
tin áp đặt, một chiều. Trong đối thoại, báo cáo viên vừa là người nói, vừa là
người nghe, người cung cấp thông tin. Do vậy, báo cáo viên vừa biết nói tốt, vừa
phải biết gợi mở, nêu vấn đề để người nghe nói đúng những vấn đề quan tâm. Để đạt
được yêu cầu này, quá trình đối thoại nên mang tính chất trao đổi, tạo bầu
không khí tin tưởng, gần gũi và chân thành. Trong quá trình đối thoại cần cố gắng
tìm hiểu thông tin về một số đặc điểm của người đối thoại. Khi cần có thể tại
không khí tranh luận để bổ sung, củng cố nội dung tuyên truyền.
- Trong tuyên truyền miệng, cần vận
dụng một số phương pháp dạy học để thực hiện thuyết trình một cách có hệ thống
đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục, tính thực tiễn của nội dung tuyên truyền.
Đó là các phương pháp nêu vấn đề, đặt câu hỏi và trả lời, giả định, phản đề,
thuận đề, sử dụng bảng biểu... Trong điều kiện thuận lợi có thể sử dụng các
giáo cụ trực quan, phim ảnh, đèn chiếu và vi tính hóa hoạt động tuyên truyền.
3.2 Những nội dung cơ bản của quá trình trình bày bài nói:
Sau khi chuẩn bị đề cương bài nói
bằng ngôn ngữ viết làm cơ sở cho quá trình thực hiện tuyên truyền miệng, quá
trình trình bày bài nói là quá trình thực hiện đề cương và có tính chất quyết định
đến sự thành công của toàn bộ hoạt động tuyên truyền miệng.
a) Những vấn đề cần nắm vững khi
trình bày bài tuyên truyền miệng
* Ngôn ngữ, văn phong bài nói:
- Ngôn ngữ vừa là tiền đề vừa là
kết quả của quá trình phát triển xã hội. Nếu nói con người đã tạo ra ngôn ngữ
thì chính ngôn ngữ đã gián tiếp tạo ra con người. Ngôn ngữ là hình thức thể hiện
của tư duy, giữa vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức.
- Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu
của báo cáo viên, là yếu tố cực kỳ quan trọng để thực hiện và nâng cao chất lượng
bài nói. Người báo cáo viên phải có ngôn ngữ phong phú để trình bày chính xác
những khái niệm, sự vật, hiện tượng và những quan điểm, quan niệm, sự kiện...
Trong tuyên truyền miệng, tiêu
chuẩn cơ bản của lời nói tốt bao gồm: tính chính xác, tính đúng đắn và tính thẩm
mỹ.
+ Tính chính xác: đó là sự thống
nhất giữa nội dung thông tin, những tư liệu, sự kiện đã được khẳng định và sự
diễn đạt bằng những phương tiện ngôn ngữ những nội dung đó.
Tính chính xác đòi hỏi báo cáo
viên phải có từ ngữ chính xác về mức độ, khách quan nội dung của vấn đề, sự vật,
hiện tượng, diễn ra trung thành, làm nổi bật vấn đề mà báo cáo viên trình bày.
+ Tính đúng đắn: ngôn ngữ của báo
cáo viên sử dụng phải được mọi người thừa nhận và được coi là mẫu mực bởi phù hợp
với chuẩn mực ngôn ngữ.
+ Tính thẩm mỹ: đó là vẻ đẹp và sự
hấp dẫn của lời nói, làm tăng sự thích thú của người nghe trên cơ sở những ngôn
từ có chọn lọc được sử dụng chính xác, đúng đắn, phù hợp, văn hóa..., mà không
hoa mỹ một cách cầu kỳ, quá mức cần thiết, không phù hợp với đối tượng.
Có được tiêu chuẩn của lời nói đẹp,
báo cáo viên mới diễn tả ý tưởng của mình một cách chân thành, sáng sủa, chính
xác và có sức thuyết phục người nghe.
* Sử dụng tư liệu thực tế
Sử dụng tư liệu thực tế trong bài
nói thể hiện tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, làm tăng tính cụ thể
trong nội dung tuyên truyền, làm cho bài nói thêm sinh động, hấp dẫn và thuyết
phục người nghe. Tư liệu thực tế được dùng để chứng minh, làm rõ một luận điểm
đó trong bài nói.
- Tư liệu thực tế phải đảm bảo
tính chính xác, chân thực khách quan, phù hợp với đề tài, đặc điểm, trình độ
người nghe và đặc biệt báo cáo viên phải sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đúng
lúc, đúng chỗ.
- Tài liệu thực tế chỉ có sức
thuyết phục khi nó gần gũi, dễ hiểu, chính xác, rõ ràng, đã được kiểm nghiệm hoặc
thực hiện trong thực tế cuộc sống, phù hợp với nhận thức, những chuẩn mực và
thang bậc giá trị chung của toàn xã hội.
- Khi sử dụng tư liệu, dẫn chứng
thực tế để minh họa trong bài nói, báo cáo viên cần bám sát đề cương, đồng thời
linh hoạt, tránh vận dụng cứng nhắc, gượng ép. Điều cần chú ý là không sử dụng
tư liệu lặp đi, lặp lại trong một bài nói, hoặc ở những đơn vị, đối tượng mà
mình thường báo cáo.
* Sử dụng kênh phi ngôn ngữ
- Ưu thế đặc trưng của tuyên truyền
miện là người tuyên truyền có thể sử dụng kênh phi ngôn ngữ trong hoạt động
tuyên truyền. Nếu biết sử dụng tốt, kênh phi ngôn ngữ không chỉ là sự bổ sung
mà còn làm nhân lên hiệu quả của sự tuyên truyền.
- Kênh phi ngôn ngữ là các hoạt động
không dùng ngôn ngữ lời nói của người tuyên truyền trong buổi tuyên truyền. Đó
là tư thế, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, thái độ, hành vi khi tiến hành tuyên truyền.
- Yêu cầu của kênh phi ngôn ngữ
là phải tự nhiên, hợp lý, gắn với nội dung và hợp lý với từng loại đối tượng, bối
cảnh tuyên truyền. Báo cáo viên cần tránh "biểu diễn", "diễn kịch"
khi tuyên truyền, làm cho tác dụng tuyên truyền hạn chế, thậm chí phản cảm. Việc
kể chuyện vui gây hưng phấn, làm cho buổi nói chuyện đỡ căng thẳng là cần thiết,
nhưng tránh "cù" một cách gượng gạo, tếu táo, thô thiển...
b) Những bước đi cụ thể của quá
trình trình bày tuyên truyền miệng
* Trước khi nói:
Báo cáo viên cần chuẩn bị thêm
các nội dung sau:
- Xác định lại một lần nữa về nội
dung. Cần hình dung lại toàn bộ cấu trúc bài nói, suy nghĩ về cách trình bày,
có thể nói thầm, nói nhỏ những vấn đề quan trọng. Đây là việc cần thiết, nhất
là với đối tượng mới hoặc thực tiễn của buổi nói chuyện khác với những gì người
báo cáo viên đã chuẩn bị hoặc theo giới thiệu của người mời.
- Chuẩn bị kỹ về cá nhân như
trang phục, đầu tóc... Điều này thể hiện sự tôn trọng, gần gũi đối tượng; phù hợp
với bối cảnh buổi nói, hòa đồng với người nghe.
- Chủ động sắp xếp thời gian, nắm
vững địa điểm diễn ra buổi nói chuyện, đến sớm 5 - 10 phút để tiếp xúc với cấp
uỷ, lãnh đạo đơn vị hoặc người nghe và tiếp cận với hội trường. Có thể nêu ý kiến
đề nghị điều chỉnh ánh sáng, âm thanh, nơi đặt micrô, loa, lọ hoa, bục... phù hợp
với không gia của hội trường, tạo thuận lợi cho báo cáo viên khi thuyết trình.
* Bắt đầu nói:
- Bắt đầu buổi nói chuyện có tác
dụng quan trọng trong gây sự chú ý và thiện cảm. Thông thường báo cáo viên
không nên vội vàng bắt đầu nói ngay mà cần tạo sự chú ý ban đầu. Khi bước lên bục,
cần làm nhiệm vụ "tổ chức người nghe", dùng ánh mắt, tư thế để tập
trung sự chú ý của họ.
- Trong giai đoạn bắt đầu nói thường
xảy ra tình huống:
+ Người nói bị hồi hộp:
Hồi hộp là một trạng thái tâm lý
xúc cảm tiêu cực, dẫn đến hành động lúng túng, bị động, không tự chủ của báo
cáo viên. Nguyên nhân của hồi hộp có nhiều, cả chủ quan và khách quan và bất kỳ
báo cáo viên nào cũng có thể bị rơi vào trường hợp này. Để khắc phục hồi hộp có
thể thực hiện theo 4 cách sau:
Một là, hít thật sâu và thở ra từ
từ vài lần.
Hai là, thay đổi trạng thái bằng
cách bình tĩnh thay đổi lọ hoa, sửa micrô, chai nước, giáo án, lau kính...
Ba là, nhìn xuống khán giả, tìm
ánh mặt đồng cảm, những người có tâm thế chủ động và tâm thế khẳng định để tìm
sự thông cảm.
Bốn là, nói thẳng với khán giả là
tôi hồi hộp quá để tìm sự ủng hộ.
+ Người nghe ồn ào, không tập
trung. Trường hợp này dễ xảy ra trong các buổi nói chuyện. Báo cáo viên cần
bình tĩnh, tạo ra sự ổn định và sự tập trung chú ý bằng cách nói to, nói chậm,
từng từ và rõ ràng, có thể nhắc lại một vài lần một câu nói.
+ Người nghe ồn ào, tỏ thái độ phản
ứng không đồng tình với người nói. Trong trường hợp này cần bình tĩnh, tỏ thái
độ nhân nhượng bước đầu, tìm sự thiện cảm của người nghe rồi tìm cách làm chủ
diễn đàn, thể hiện nội dung bài nói. Tuyệt đối không tranh luận với số đông khi
mới bắt đầu.
Để việc xử lý các tình huống trên
tốt nhất, báo cáo viên phải chuẩn bị thật tốt bài nói, nắm chắc nội dung, có kiến
thức sâu rộng, phong phú về lý luận và thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững
vàng, chủ động và ứng xử linh hoạt.
- Khi bắt đầu, khẩu ngữ
"kính thưa, hoặc thưa..." rất quan trọng, thể hiện thái độ trân trọng
với người nghe. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở người tuyên truyền phải lễ độ,
thái độ này phải thể hiện ở ngay câu nói đầu tiên.
- Giới thiệu tóm tắt đề cương cơ
bản của bài nói để người nghe chủ động theo dõi. Phần giới thiệu ngắn gọn, cần
nói rõ bài nói có mấy phần, thời gian bao lâu, có nghỉ giải lao không, có đối
thoại không.
* Trong khi nói:
- Báo cáo viên thực hiện bài nói
qua hai kênh: ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Kênh ngôn ngữ thể hiện bằng các yếu
tố ngữ âm, ngữ điệu, nhịp độ và ngừng giọng.
Ngữ âm là cường độ của âm thanh,
nói to, nói nhỏ phù hợp với hội trường. Không nói to quá hoặc nhỏ quá.
Ngữ điệu thể hiện sự lên giọng cần
thiết cho một câu. Cần tránh hiện tượng nói nhanh quá nuốt âm hoặc "nuốt
âm cuối" khi xuống giọng ở cuối câu.
Nhịp độ thể hiện nói nhanh hay chậm.
Nói chung không nên nói nhanh quá dẫn đến nuốt từ, người nghe không kịp nhận biết
nội dung của câu nói.
Ngừng giọng hoặc lặp lại những cụm
từ chủ yếu để tạo ấn tượng, tập trung sự chú ý.
Kênh phi ngôn ngữ thể hiện chủ yếu
bằng những hành vi như tư thế, cử động, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười... Những hoạt
động này cần hết sức linh hoạt, được diễn tả phù hợp và ăn khớp với nội dung
(tránh những cử chỉ động tác thừa, cứng nhắc gây phản cảm với người nghe). Có
thể sử dụng các thủ thuật như đứng tại bục, đi lại ( khi có micrô cầm tay) và
tiếp cận với người nghe. Trong khi nói có thể sử dụng điệu bộ bằng tay,... để
mô tả lời nói, nhưng không nên vung tay quá mức. Sự hài hước gây cười một cách
tế nhị, tạo không khí biểu lộ tình cảm, thái độ là cần thiết, nhưng không được
thái quá.
- Khi nói báo cáo viên có thể giải
thích và chứng minh, tức diễn dịch và quy nạp hoặc kết hợp cả hai phương pháp
này.
+ Phương pháp diễn dịch xuất phát
từ một luận điểm, báo cáo viên dùng tài liệu, tư liệu thực tế để làm sáng tỏ từng
phần của luận điểm đó. Đây là phương pháp diễn giải, dễ thực hiện, có thể áp dụng
phổ biến đối với mọi đối tượng người nghe, nhưng cuối cùng cần chốt lại luận điểm
chung.
+ Phương pháp quy nạp là từ nhiều
hiện tượng, sự kiện có tính riêng lẻ sau khi đã phân tích dưới nhiều khía cạnh,
góc độ khác nhau để nêu lên luận điểm, luận đề, nhận định có tính tổng hợp,
khái quát cao. Phương pháp này đòi hỏi báo cáo viên phải biết lựa chọn sự kiện,
tài liệu thật sinh động để dẫn dắt, thuyết phục người nghe thống nhất quan điểm
với mình. Phương pháp này phù hợp với đối tượng là tri thức, những người có khả
năng tổng hợp, khái quát cao.
+ Trong cùng một bài nói có thể vận
dụng từng phương pháp để diễn đạt ở các phần khác nhau. Đó là sự kết hợp cả hai
phương pháp giải thích và chứng minh, diễn dịch và quy nạp trong cùng một bài
nói.
- Khi trình bày bài nói, báo cáo
viên phải chú ý đến bố cục của bài nói cho cân xứng, tránh sa đà vào một nội
dung để "đầu voi, đuôi chuột", cháy giáo án. Khi phân tích, chẻ nhỏ vấn
đề cần chú ý đến "sự quay về" điểm xuất phát, tránh "quên đường
về", không biết mình đang trình bày phần nào của bài.
Tuy nhiên, dù vận dụng phương
pháp nào cũng cần ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nói phải gọn
gàng, có đầu, có đuôi, có nội dung... Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho
chắc chắn, thì quần chúng thích hơn. Muốn nói gì phải chuẩn bị trước" (Hồ
Chí Minh về công tác tư tưởng, NXB Sự Thật, Hà Nội 1965, tr167).
- Khi trình bày bài nói, báo cáo
viên phải tường xuyên bao quát hội trường, quản lý buổi nói chuyện, theo dõi
người nghe đang tiếp thu bài nói của mình như thế nào để chủ động điều chỉnh nội
dung và phương pháp trình bày, phải duy trì trật tự trong hội trường vì lợi ích
của số đông. Việc quản lý sự chú ý của người nghe là trách nhiệm của báo cáo
viên trong suốu quá trình trình bày bài nói của mình, do vậy báo cáo viên phải
luôn luôn làm chủ mọi tình huống để đảm bảo buổi nói chuyện có kết quả.
- Trong quá trình nghe báo cáo,
người nghe có thể mệt mỏi do tác động khách quan (thời tiết, tiếng ồn...) báo
cáo viên phải sử dụng một số thủ thuật để thay đổi không khí trong hội trường,
tạo sự chú ý của người nghe như: dùng âm điệu, ngôn ngữ biểu cảm, phương tiện
trực quan (nếu có), các thủ pháp gây cười, tạo không khí sôi nổi, thậm chí có
thể cho nghỉ giải lao đột xuất nếu có sự cố nào đó.
- Nếu có một bộ phận người nghe
thiếu tập trung, báo cáo viên cần nhanh chóng xác định nguyên nhân. Nếu do
phương pháp trình bày, báo cáo viên phải kịp thời điều chỉnh cách nói. Nếu người
nghe có biểu hiện không đồng tình, phản ứng với điều vừa nói, báo cáo viên cần
tìm cách "hòa hoãn", cố gắng xác định nhanh nguyên nhân, để lái vấn đề,
cùng ngường nghe đối thoại, tạo sự đồng thuận.
- Trong quá trình nói, báo cáo
viên có thể thực hiện đối thoại với người nghe, khi đối thoại cần chú ý:
+ Cần khêu gợi và hướng người
nghe nêu câu hỏi, tập trung vào nội dung và chủ đề tuyên truyền.
+ Luôn có thái độ cầu thị, tôn trọng,
chú ý lắng nghe câu hỏi của người nghe để trả lời rõ ràng, đúng và trúng yêu cầu
của câu hỏi. Những vấn đề chưa rõ hoặc chưa thể trả lời thì khéo léo đề nghị để
trả lời riêng hoặc xin hẹn vào dịp khác. Không trả lời những vấn đề chưa nắm vững.
Nếu có nhiều người nghe nêu câu hỏi, báo cáo viên có tểh trả lời từng cân hỏi
hoặc có thể để người nghe nêu nhiều câu hỏi, rồi lần lượt trả lời từng vấn đề
hoặc theo cụm vấn đề.
Trong tập thể đông, có câu hỏi
không đại diện cho số đông, nên đề nghị được trả lời riêng.
Trả lời câu hỏi trong thực hiện đối
thoại là một vấn đề khó, báo cáo viên phải bình tĩnh ứng xử nhanh. Do vậy để đối
thoại tốt, báo cáo viên phải tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, có sự hiểu
biết rộng và sâu, cả về thực tiễn và sự đa dạng của kiến thức trên các lĩnh vực.
* Kết thúc bài nói.
Đây là phần tổng kết bài nói chuyện.
Yêu cầu phải để lại "dư âm", "ấn tượng" của bài nói theo hướng
thúc đẩy quan hệ và tạo thiện cảm, tránh nặng nề.
Báo cáo viên có thể kết thúc bài
nói bằng nhiều cách: hệ thống toàn bộ bài nói một cách ngắn gọn; khái quát hoặc
chốt lại những vấn đề cơ bản nhất của nội dung tuyên truyền..., trên cơ sở đó
rút ra kết luận định hướng tư tưởng, kêu gọi hành động của mọi người.
Thời điểm này có thể người nghe đặt
thêm câu hỏi, báo cáo viên căn cứ vào nội dung và thời gian để trả lời chung hoặc
xin trả lời riêng.
Cân kết thúc bài nói chuyện sớm
hơn thời gian ấn định khoảng 5 - 7 phút, tuyệt đối không nên kéo dài quá giờ,
dù chỉ là 1 - 2 phút, gây ức chế về tâm lý người nghe.
Trước khi rời diễn đàn, báo cáo
viên cần cảm ơn người nghe đã theo dõi, cổ vũ, xin lỗi những sơ suất (nếu có),
chúc sức khỏe, tạm biệt và hẹn gặp lại người nghe trong các nội dung tuyên truyền
mới.