Đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn
Sinh viên nào cũng có cơ hội làm thủ lĩnh
Thưa đồng chí Phan Văn Mãi, Đoàn đã tạo
ra những môi trường thế nào để xây dựng nguồn nhân lực và tìm ra những thủ lĩnh
trẻ tuổi?
Đồng chí Phan Văn
Mãi: Có 2 yếu tố để nói về câu chuyện nhân
lực và thủ lĩnh của Đoàn đó là: Đoàn cần nhân lực để vận hành tổ chức của mình
và Đoàn với tư cách là đội dự bị của Đảng. Để tạo ra nguồn nhân lực tốt và
những thủ lĩnh tài năng cần có 2 trường đào tạo: trường lớp và thực tế. Sau Đại
hội, Đoàn sẽ làm rốt ráo việc xây dựng chuẩn đào tạo. Anh là bí thư chi đoàn
anh phải học gì, anh là cán bộ đoàn chuyên trách anh phải đáp ứng được những kỹ
năng, đòi hỏi gì.
Đoàn tạo ra những
phong trào, qua phong trào sẽ sinh ra thủ lĩnh. Nếu một bạn trẻ có thể thiết
kế, tổ chức, thực hiện được một chương trình Mùa Hè Xanh hoặc tình nguyện ở
trường mình, đơn vị mình nghĩa là bạn đã được đào tạo một lần để làm thủ lĩnh.
Sinh viên nào cũng có cơ hội làm thủ lĩnh. Vì nhiều phong trào thiết thực nhất
của Đoàn đều được khởi xướng từ sinh viên. Nhiều hoạt động đã và đang đến với
sinh viên, tạo cho các bạn trẻ rất nhiều cơ hội để thành một thủ lĩnh.
Và sinh viên chính là
đối tượng tiếp cận khoa học công nghệ, tri thức tiên tiến nhanh nhất và tốt
nhất. Các bạn có điều kiện học tập tốt, có cơ hội bước ra thế giới. Mỗi năm
chúng ta có hơn 1,2 triệu sinh viên chỉ có khoảng 300.000 sinh viên tham gia
chiến dịch Hè tình nguyện. Hơn 90.000 sinh viên còn lại cũng cần thêm những sân
chơi mới. Thời gian tới Đoàn sẽ kết hợp cùng các đơn vị, các quỹ để tạo một sân
chơi mới cho sinh viên nghiên cứu khoa học và đam mê sáng tạo.
Để khuyến khích những bạn trẻ rèn luyện
mình, Đoàn cũng cần phải tạo ra những môi trường tốt để những người trẻ dấn
thân và trưởng thành. Và đến thời điểm hiện tại phải tạo ra những giá trị tăng
thêm ở các môi trường để khuyến khích người trẻ.
Đoàn đã có không ít các đề án để xây
dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các bạn trẻ có được cơ hội nào ở đó, thưa
đồng chí?
Đồng chí Phan Văn
Mãi: Đã có đề án “600 trí thức trẻ đến làm
Phó Chủ tịch xã” ở những địa bàn khó khăn, đề án về “Tài năng trẻ”, đề án
“Thanh niên khởi nghiệp”… Trước đây Đoàn còn có dự án đưa “Trí thức trẻ về vùng
sâu vùng xa” “Bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa” và hiện tại Đoàn đang kết hợp
cùng các đơn vị để đưa sinh viên của các trường nông nghiệp tham gia xây dựng
nông thôn mới. Sau một thời gian tình nguyện tại vùng sâu vùng xa, những sinh
viên nông nghiệp này sẽ được nhận vào làm việc ở các cơ quan của nhà nước.
Và thậm chí trong
tương lai sẽ có những chính sách mới chăng để sinh viên tốt nghiệp các trường
tham gia chương trình nghĩa vụ, xung kích về các địa phương khó khăn để phát
triển kinh tế ở những nơi này? Nghĩa là chưa bao giờ dừng lại những đề án,
những cơ hội, những chương trình dành cho các bạn trẻ thực sự muốn dân thân và
khẳng định mình. Và đó cũng chính là những môi trường tuyệt vời để bạn học làm
thủ lĩnh.
Sinh viên tình nguyện tham gia làm đường. Nguồn TPO
Thưa đồng chí, với
câu chuyện xây dựng nguồn nhân lực trẻ, Đoàn ở đâu trong chuỗi mắt xích với nhà
trường, gia đình, xã hội?
Đồng chí Phan Văn
Mãi: Chuyện đào tạo kiến thức chuyên môn là
việc của trường lớp. Nếu như coi điều này là phần “cứng” thì Đoàn làm các nhiệm
vụ của phần “mềm”. Phần “mềm” mang lại cho các bạn trẻ những kỹ năng quan trọng
của cuộc sống, bản lĩnh, thái độ và tinh thần làm việc. Ai đã từng là thủ lĩnh
của một phong trong Mùa hè xanh tôi tin là người đó đã có một bản lĩnh đáng nể
rồi. Chúng ta vẫn được xem là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào nhưng chất
lượng nhân lực không cao. Và chính tác phong, năng suất, thái độ lao động… sẽ
là câu trả lời cho chất lượng nhân lực.
Làm thủ lĩnh bằng cách nào?
Theo đồng chí, những yếu tố nào là tiên
quyết để các bạn trẻ nổi trội hơn và đến gần với vai trò một thủ lĩnh?
Đồng chí Phan Văn
Mãi: Đôi khi sự khác biệt giúp bạn nổi trội
giữa đám đông. Rất nhiều suy nghĩ của các bạn trẻ giờ đã thay đổi và khác biệt.
Tôi gặp không ít bạn
đi học nước ngoài trở về. Dạo trước nhiều người bảo: yêu nước là phải quay về
phục vụ đất nước. Nhưng các bạn bây giờ học xong có thể ở lại 5 năm, hoặc nhiều
hơn đến khi tích lũy đủ kiến thức, đến khi thấy đủ tự tin họ quay trở về phụng
sự quê hương mình. Nhiều bạn đã đi như thế và quay về làm việc tại Trung ương
Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh. Ở họ có nhiều khác biệt tích
cực.
Tôi lại biết có rất nhiều bạn trẻ thành
lập các nhóm tình nguyện, hoặc cùng làm chung một dự án vì cộng đồng nào đó với
vài ba người bạn của mình. Họ làm các dự án phi lợi nhuận phục vụ cho nhu cầu
của một nhóm người trong xã hội. Số lượng của những nhóm này rất lớn. Họ đang
được trải nghiệm trong vai trò là thủ lĩnh. Và chính điều này cũng là một gợi
ý cho Đoàn: chỉ cần được khơi gợi đúng hướng chúng ta sẽ tìm ra rất nhiều thủ
lĩnh trẻ.
Xin cảm ơn đồng chí!